Nên mua Laptop workstation hay laptop gaming cho đồ họa
Hiện nay trên thị trường lại có rất nhiều dòng laptop với đa dạng đối tượng khách hàng khác nhau nhưng nổi bật lên trong đó là hai dòng Laptop Gaming và Laptop Workstation, đây đều là hai dòng máy tính ở phân khúc cao cấp, có cấu hình mạnh mẽ cùng nhiều yếu tố nổi bật về phần cứng và phần mềm khác nhau. Để so sánh Laptop Gaming và Laptop Workstation xem bạn sẽ phù hợp với loại máy tính nào hơn, mời các bạn cùng mình đến với bài viết bên dưới nhé.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
- Laptop gaming và Laptop workstation là gì ?
- Laptop Gaming sở hữu thiết kế hầm hố, mạnh mẽ còn Laptop Workstation lại sang trọng, thanh lịch
- Laptop Gaming và Laptop Laptop Workstation đều sở hữu một cấu hình mạnh mẽ
- Về khả năng tản nhiệt
- Khả năng nâng cấp
- Vậy nên lựa chọn Laptop Gaming hay Laptop Workstation?
Laptop gaming và Laptop workstation là gì ?
Laptop gaming (laptop chuyên game) là dòng máy tính xách tay được thiết kế với những cải tiến riêng nhằm phục vụ nhu cầu chơi game nặng yêu cầu khả năng xử lý mạnh về đồ họa tốt, thiết kế hiện đại, trẻ trung, thường phù hợp các bạn trẻ, sinh viên, người dùng học tập đồ họa, chỉnh sửa ảnh, dựng phim cơ bản…
Laptop Workstation (Máy trạm) là dòng máy tính sở hữu hiệu suất mạnh mẽ, được tạo ra với mục đích phục vụ cho các ngành nghề đòi hỏi nhiều năng lực tính toán như thiết kế đồ họa, mô hình 3D, kỹ sư, kiến trúc sư, nghiên cứu khoa học. Đây là dòng máy thường phù hợp với anh em dân kỹ thuật, xây dựng, cơ khí, hoặc các công ty về đồ họa…
Laptop Gaming sở hữu thiết kế hầm hố, mạnh mẽ còn Laptop Workstation lại sang trọng, thanh lịch
Điểm khác biệt dễ nhận biết nhất giữa hai dòng laptop Gaming và Laptop Workstation đó là về thiết kế. Đầu tiên là Laptop Gaming khi cái tên đã nói lên tất cả, dòng máy tính này thường sở hữu một thân máy có phần to, dày cùng một thiết kế độc lạ, góc cạnh và hầm hố như hệ thống tản nhiệt lớn, các logo tạo điểm nhấn hay các hệ thống đèn LED nổi bật trên thân máy,…
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, bên cạnh một số laptop gaming vẫn giữ phong cách thiết kế hầm hố trước đây như: Asus TUF Gaming , MSI Gaming,Lenovo Legion ,… Thì một số nhà sản xuất đã cho ra đời những chiếc máy tính chơi game với ngoại hình đơn giản hơn, mỏng nhẹ hơn nhưng vẫn giữ được một số điểm đặc trưng vốn có trong thiết kế của laptop gaming như dòng Asus ROG Zephyrus,…
Còn khi nói về thiết kế của những chiếc laptop Laptop Workstation thì mình sẽ nghĩ ngay đến sự tối giản, thanh lịch nhưng vẫn không kém phần sang trọng. Theo mình thường thấy những chiếc máy trạm này thường có một công thức thiết kế là khung máy bằng kim loại chắc chắn cùng các góc cạnh vuông vức gọn gàng và một logo được đặt ở vị trí trung tâm mặt A.
Cá nhân mình đánh giá tuy laptop Laptop Workstation có vẻ ngoài không quá nổi bật như của các máy gaming nhưng đây cũng là điểm mà mình thích của dòng máy này vì trong một vài trường hợp ví dụ như khi dùng máy trong các buổi họp, phòng làm việc đông người hay ở thư viện,… mình không thích bị quá nhiều người chú ý thì thiết kế của laptop Laptop Workstation được mình đánh giá cao hơn. Bên cạnh đó, thiết kế tối giản và sang trọng của những chiếc máy trạm cũng giúp bạn thể hiện được sự chuyên nghiệp, nghiêm túc khi làm việc gặp gỡ các đồng nghiệp hay đối tác nữa đấy.
Laptop Gaming và Laptop Laptop Workstation đều sở hữu một cấu hình mạnh mẽ
Tuy cả 2 loại laptop này đều có cấu hình tốt và hiệu năng mạnh mẽ nhưng do hướng đến hai nhóm nhu cầu sử dụng khác nhau nên mỗi dòng máy đều có những điểm khác biệt về phần cứng đấy nhé. Với Laptop Gaming các nhà sản xuất sẽ thường tập trung vào xung nhịp, tốc độ bộ nhớ và chip đồ họa nhằm mang đến khả năng chơi game mượt mà cũng như khả năng xử lý đồ họa ấn tượng hơn. Thông thường theo mình thấy các laptop chơi game sẽ được trang bị các CPU như: Intel Core hoặc AMD Ryzen,… và các GPU như: NVIDIA GeForce, AMD Radeon,…
Về Laptop Workstation, do phải thường xuyên làm việc với những tác vụ năng đòi hỏi khả năng tính toán cao nên các máy tính trạm cũng sở hữu một cấu hình rất ‘khỏe’ với CPU, GPU mạnh mẽ, RAM nhiều hơn và bộ nhớ dung lượng lớn hơn. Thương các Laptop Workstation sẽ sử dụng các CPU như: Intel Xeon, AMD Ryzen Threadripper,… cùng GPU: NVIDIA Quadro, AMD Radeon Pro hoặc AMD FirePro,… và đặc biệt là bộ nhớ RAM ECC thường không xuất hiện trên các dòng laptop khác.
Màn hình tần số quét cao và màn hình độ phân giải cao đâu sẽ là sự lựa chọn của bạn?
Khi nhắc đến màn hình của Laptop Gaming điều đầu tiên mà mình nghĩ đến chính là tần số quét. Nhằm ngăn chặn hiện tượng xé khung hình, giật hình, nhòe chuyển động và bóng ma nên màn hình của các Laptop Gaming thường sở hữu tần số quét cao thường thấy là 120 Hz, 144 Hz đôi khi lên đến 240 Hz và một số máy còn đạt 360 Hz luôn đấy.
Còn khi nói đến màn hình của Laptop Workstation thì sẽ chú ý đến độ phân giải, độ bao phủ màu, độ tương phản nhiều hơn. Vì đây là các màn hình dành cho các công việc thiết kế chuyên nghiệp vậy nên mình nghĩ chúng ta sẽ cần một màn hình thật sắc nét ít nhất là Full HD, độ bao phủ màu rộng sRGB đạt 100%,… nhằm mang đến khả năng hiển thị chính xác và chân thực nhất.
Về khả năng tản nhiệt
Điểm chung của Laptop Gaming và Laptop Workstation đó là chúng đều sở hữu hệ thống tản nhiệt có phần cao cấp và ‘xịn sò’ hơn so với các đối thủ còn lại, các sản phẩm này thường có 2 ống tản nhiệt riêng biệt cho CPU và GPU. Với bộ phận tản nhiệt làm việc hiệu quả và ổn định giúp cho thiết bị có thể chạy các tác vụ tính toán lớn liên tục trong thời gian dài cũng như chiến các game nặng.
Khả năng nâng cấp
Hiện nay không phải laptop nào cũng có khả năng nâng cấp phần cứng vì điều này đôi khi còn phụ thuộc vào quy trình sản xuất cũng như kết cấu của thiết bị. Nhưng tin vui cho những bạn đam mê công nghệ đó là đa số các Laptop Gaming và Laptop Workstation đều có khả năng nâng cấp phần cứng.
Vậy nên lựa chọn Laptop Gaming hay Laptop Workstation?
Nếu bạn muốn có một chiếc máy tính xách tay dành cho công việc thiết kế chuyên nghiệp, có tài chính khá cao và thích một thiết kế thanh lịch thì mình nghĩ bạn nên mua một chiếc Laptop Workstation. Vì máy trạm sẽ có thể dễ dàng chạy các phần mềm chuyên nghiệp như Autodesk AutoCAD, Solidworks CAD, Autodesk Maya, Autodesk 3DS Max, STAAD Pro, Revit, Adobe Premiere Pro, Blender, Autodesk Maya, Zbrush,… Còn nếu bạn yêu thích việc chơi game trên máy tính, thích một thiết kế có sự cá tính và không muốn bỏ ra một số tiền quá lớn thì Laptop Gaming sẽ là một sự lựa chọn tối ưu hơn với bạn đấy nhé.
Tổng kết lại, việc lựa chọn giữa Laptop Gaming hay Laptop Workstation sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu sử dụng của bạn vì mình nghĩ không có sản phẩm nào tốt hay không tốt mà chỉ có sản phẩm phù hợp với bạn hay không mà thôi. Không có sự tồn tại nào là vô nghĩa cả mà chỉ là bạn có thấy được lý do chúng được tạo ra hay không thôi, vậy nên mình mong rằng những đánh giá và so sánh của mình sẽ giúp bạn có một cái nhìn trực quan hơn về Laptop Gaming và Laptop Workstation, biết được điểm nổi bật của chúng để từ đó đưa ra một quyết định chính xác hơn.